Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

eBook Chỉ Vì Giây Phút Được Gặp Em - Tiên Chanh full prc, pdf, epub [Ngôn Tình]

Tên ebook: Chỉ Vì Giây Phút Được Gặp Em (full prc, pdf, epub)

Tác giả: Tiên Chanh 
Thể loại: Lãng mạn, Ngôn tình, Tình cảm, Văn học phương Đông
Người dịch: Hồng Ánh 
Nhà xuất bản: Nxb văn học
Nhà phát hành: BachvietBooks
Khối lượng: 396.00 gam
Định dạng: Bìa mềm 
Kích thước: 13 x 20.5 cm
Ngày phát hành: 03/2014 
Số trang: 316
Nguồn: Hội làm ebook free
Ebook: http://daotieuvu.blogspot.com
ebook chi vi giay phut duoc gap em prc pdf epub

Bìa Chỉ Vì Giây Phút Được Gặp Em tập 1- Tiên Chanh


Giới thiệu:

Anh đã từng yêu sâu sắc một người chưa ư? Thế nào mới gọi là yêu sâu sắc?

Đã từng coi một người là báu vật, đặt cô ấy ở trong lòng, nâng cô ấy trên tay, hận là không thể đem tất cả những gì tốt đẹp nhất của thế giới này đến tặng cô ấy chỉ để đổi lấy một nụ cười. Như vậy có coi là yêu sâu sắc không?

Đã từng dành trọn trái tim cho cô ấy, vì cô ấy vui mà vui, vì cô ấy giận mà giận, vui khi cô ấy vui, buồn khi cô ấy buồn. Như vậy có coi là yêu sâu sắc không?
Đọc tiếp »

VỢ CHỒNG CHƯA LỚN

Vợ chồng trẻ mới cưới chưa lâu, con gái nhỏ đã 6 tháng tuổi, vẫn còn mải chơi và nhí nhảnh lắm. Hằng ngày vợ chồng gửi con cho bà ngoại trông, sáng chồng đưa vợ đi làm, chiều đón về, thỉnh thoảng những trưa mát trời qua rủ vợ đi ăn…thịt chó cùng mấy anh em.


Ai cũng bảo vợ chồng nhà ấy sướng, gia đình môn đăng hộ đối, cả hai đều có nghề nghiệp ổn định, vừa lấy nhau đã có nhà riêng, tiện nghi đầy đủ. Lại còn vô cùng tâm đầu ý hợp, nhất là cái khoản ngồi cạ đánh phỏm bắt nạt bạn bè. Thế gian được vợ hỏng chồng, đằng này lại được cả ông lẫn bà…Chồng tự hào với thiên hạ vì có vợ đẹp con ngoan, vợ thì cứ đến công ty là mở máy phát khoe chồng. Khoảng thời gian đầu bao giờ cũng thật là hạnh phúc…

***

Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng nằm gần ngoại thành, bên ngoài ốp gạch đỏ đặc, cửa trắng muốt có những chậu hoa treo tường biêng biếc tím và bên trong bài trí hoàn toàn theo phong cách châu Âu. Cuối tuần cùng đi siêu thị và chất đồ ăn đầy ắp tủ lạnh, chiều đón con về chồng sẽ đọc báo, trông con còn vợ đánh vật với nồi niêu xoong chảo. Tối đến sau khi ru con ngủ, vợ chồng sẽ cùng giành giật điều khiển xem TV, chồng bực mình thề sống thề chết:

- Cuối tháng anh mua con 46 inch đừng có mà xem ké!

- Em thèm vào!

Nói thế thôi, cũng qua mấy cái “cuối tháng” rồi. Không được tranh TV với vợ thì buồn lắm, dù là lần nào chồng cũng thua, phải nhường vợ xem iTV thay vì HBO hoặc Esports… Chồng lẩm bẩm:

- Anh thà xem kênh dân tộc còn hơn nghe nhạc Hàn.

- Ok – Vợ thản nhiên – Vậy hãy lên miền núi tìm một cô vợ có cùng sở thích.

Chồng bĩu môi, cắm đầu vào Iphone chơi Angry Bird. Thế mà chả hiểu sao hôm sau, miệng cứ lẩm nhẩm lời bài nhạc Hàn chết tiệt ấy trong lúc lau nhà. Có hôm mất điện, vợ kéo ghế, kéo cả chồng ra ngoài hiên ngồi ngắm sao, mơ mộng:

- Sau này có nhiều tiền, chúng mình xây bể bơi và mua xe hơi, anh nhé?!
Chồng ôm vợ vào lòng, thì thầm:

- Ừ vợ yêu, bể bơi to bằng vũng nước và hứa là em sẽ được đứng tên một chiếc mui trần điều khiển từ xa loại 12 cục pin có giảm xóc.

Vợ véo tay chồng rõ đau, giận dỗi:

- Anh này! Chả chịu phấn đấu gì cả.

Chồng vuốt tóc vợ, cười nham nhở:

- Ngủ đi em, trong giấc mơ sẽ thấy.

- Nói với anh chán chết!

Vợ hờn mát, quay mặt đi thẳng vào phòng đóng cửa ngủ luôn. Nhưng vợ đâu có biết, tháng đó chồng nhận làm thêm ngoài giờ, còn tranh thủ đi dịch hợp đồng nước ngoài cho công ty khác nữa, cuốn sổ ghi nhớ của chồng có thêm một dòng chữ đỏ gạch chân trong phần “Mục tiêu” vài năm tới: “Xây bể bơi + mua xe hơi cho vợ”.

***

Nửa đêm, con ọ ẹ khóc đòi ăn, vợ ngái ngủ lay lay vai chồng:

- Anh! Dậy cho con **.

- Cái gì? – Chồng bị đánh thức, đâm ra gắt gỏng – Anh làm gì có…

- Im đi! Pha sữa bình ý! Nhớ pha âm ấm và ít nước thôi kẻo lát con nó lại tè dầm.

- Sao em không đi mà pha?

Vợ phụng phịu:

- Em đi làm cả ngày mệt muốn xỉu, đã phải cơm nước giặt giũ cho bố con anh, giờ giấc ngủ cũng không được trọn vẹn. Anh muốn em lao lực mà chết phải không?

Chồng chào thua lí sự của vợ, đứng dậy bật đèn, miệng lẩm bẩm:

- Biết thế ngày xưa lấy…con bò còn hơn…

Vợ nhỏm dậy, gằn giọng:

- Anh vừa nói cái gì?

- Không – chồng cười toe toét – Anh bảo chắc con thích sữa bò hơn.

- Cứ liệu hồn đấy!

Con ăn ngoan lắm, vèo cái hết nửa bình 15ml. Chồng chăm chú ngắm nhìn thiên thần nhỏ, con có mũi cao môi đỏ của bố, da trắng mắt đen của mẹ, lắm lúc chồng đùa:

- Sau này con lớn là anh cứ phải nuôi đôi chó Béc-giê trong nhà.

Vợ ngạc nhiên:

- Để làm cái gì?

- Để đuổi bớt mấy thằng thanh niên đến trồng cây si ấy mà.

Chồng vênh mặt đầy đắc ý, vợ châm chọc:

- Làm như con anh xinh lắm đấy!

- Con anh cơ mà! Ít ra cũng phải ăn đứt con nhà hàng xóm!

- Nhà nó đã đẻ đâu, chẳng may xinh hơn thì anh tính sao?

- Thì anh cho con vài chục triệu sang Hàn thẩm mĩ, con nhỉ?

Con chẳng biết có hiểu gì không, cũng nhe lợi hớn hở. Chồng ngồi nghĩ lại, bất giác bật cười.

Chồng vừa nựng con vừa ngáp, nước mắt nước mũi chan hoà. Vợ nằm bên cạnh ngủ ngon lành, môi vợ thỉnh thoảng mím mím lại, trông yêu lắm. Tự dưng không kiềm được, cúi xuống định hôn trộm vợ, bỗng chồng giật mình, chỗ con nằm ướt sũng…! Lại một lần nữa chồng và con phá giấc ngủ của vợ.

- Em ơi! Dậy đi…Anh không biết thay tã đâu…

- Trời ạ!

Thế là hai vợ chồng lại cặm cụi gần nửa tiếng đồng hồ, để rồi đi đến quyết định cuối cùng: sẽ đổi lịch sinh học của con, không cho ăn đêm nữa xem còn dám làm phiền bố mẹ nữa hay thôi!

***

Con đã được hơn 10 tháng, cứng cáp và đang bắt đầu tập đi. Chiều nào chồng cũng chịu khó lau sàn sạch bóng để con thoải mái lăn lê bò toài. Một lần, vợ đang nấu cơm bỗng nghe tiếng con khóc ré lên ngoài phòng khách. Hốt hoảng chạy ra thì thấy con đang nằm úp mặt xuống sàn ăn vạ, bố ngồi cạnh bình thản đọc Conan. Vợ gầm lên:

- Con bị sao thế kia?

- Ngã em ạ.

Chồng cười tươi như hoa. Vợ nổi khùng:

- Anh trông con kiểu gì vậy? Mà nó ngã không biết đường đỡ nó lên à?

- Anh muốn con học cách tự đứng dậy…

Vợ xót con, vừa ôm vừa xuýt xoa, vừa kiểm tra xem có sứt mẻ miếng nào không, vừa lườm chồng khét lẹt:

- Rõ dở hơi. Chả được cái tích sự gì hết!

Vợ bế con vào phòng, chồng thở dài ngán ngẩm, người ta bảo “con hư tại mẹ” quả là chuẩn không cần chỉnh.

Con bi bô nói được vài từ, chồng nhanh nhảu:

- Nói “ba” đi con. Baaaaaaaaa…

Vợ chen vào:

- Con em đẻ ra, phải biết gọi mẹ trước chứ. Gọi mẹ đi con!

Chồng cãi:

- Tự em đẻ được à?

- Thế anh có phải mang bầu không?

- Nhưng mà…

Chưa nói hết câu thì con tè dầm, khó chịu, lại gào lên oe oé. Vợ chồng đình chiến, tạm thời hợp tác thay tã và tắm rửa cho con, lát sau là quên hết.

Vợ đi nghỉ mát với cơ quan một tuần, con lại gửi bà, chồng ở nhà đêm nào cũng lôi bạn về nhậu nhẹt, xem bóng đá. Vỏ lon bia rải từ nhà ra sân, thuốc lá đầy một gạt tàn, bát đĩa bẩn đầy bồn rửa và phòng bếp tan hoang. Vợ về đến nhà vào một buổi sáng đẹp trời, khi chồng đang trong tư thế ngủ vắt lưỡi trên ghế sopha và TV chắc là bật từ đêm qua vẫn chưa thèm tắt. Vợ bấm chuông mấy lần mới giật mình tỉnh dậy, cất giọng lèm bèm:

- Ai thế?

- Vợ anh đây!

- Thật á?

- Đừng có nói em mới đi một tuần đã quên mặt nhau rồi nhé!

Chồng nửa tỉnh nửa mơ, mắt nhắm mắt mở bước ra cửa.

- Sao em về sớm thế?

- Anh muốn em đi luôn chứ gì?

- Đâu! – Chồng gãi đầu gãi tai, e thẹn – Anh mong em về mãi…

Vợ đưa mắt nhìn đống hoang tàn một lượt, thở dài thườn thượt:

- Tôi biết anh mong tôi thế nào rồi…

***

Trời mưa như trút nước, vợ nhắn tin bảo chồng: “Lát em đi sinh nhật chị kế toán trưởng, anh không phải đón em đâu, đón con rồi ăn luôn bên bà ngoại nhé”. Chồng đọc tin nhắn, nhét điện thoại vào túi quần rồi xuống thẳng nhà xe, quyết định đội mưa về cho…mát. Đột nhiên, một bàn tay nhỏ nhắn đặt lên vai chồng, nhẹ nhàng:

- Huy định cứ thế về à?

Chồng giật mình quay lại, là chị Hương – chị trưởng phòng kinh doanh, sếp của chồng. Chồng cười:

- Vâng chị ạ. Vợ em đi ăn với bạn nên không phải đón, em thì thế nào cũng được, em khoẻ lắm.

Chị Hương nói:

- À…Vậy Huy cho chị về nhờ được không? Chị có 2 cái áo mưa và xe chị hỏng từ hôm qua, vẫn đang bảo hành ngoài hãng.

- Vâng, được ạ. – Chồng lễ phép.

- Cảm ơn Huy.

- Có gì đâu sếp.

Chị Hương tủm tỉm:

- Đừng gọi chị thế nghe khách sáo lắm.

Nhà chị Hương không cùng đường, kể cũng hơi bất tiện, nhưng chồng vẫn tỏ ra niềm nở để lấy lòng sếp, mất gì đâu mà không tranh thủ cơ hội. Mưa to quá, chị cứ phải rướn người lên, mặt áp sát vào tai chồng nói nghe mới rõ. Vợ cùng mấy chị đồng nghiệp đang ngồi taxi đến nhà hàng, chuyện trò rôm rả. Chợt một chị lên tiếng:

- Giờ xe máy biển đẹp nhiều nhan nhản nhỉ? Đôi kia có con LX đỏ biển tứ quý sáu kìa. Mình cũng đang nhờ ông cậu làm bên giao thông tìm cho một “em” biển tứ quý…

Vợ điếng người:

- Ơ…xe biển đó là của nhà em mà…

Các chị nhao nhao:

- Thế chồng em đang đèo con nào kìa???

Vợ như bị hất nguyên gáo nước lạnh vào mặt. Lắp bắp:

- Em…em…không biết.

- Lại còn ngồi mà không biết? Đuổi theo xem nó là con nào!

Vợ vội vã xuống xe, bắt một chiếc taxi khác trên đường nhanh chóng đuổi theo…

Đến cổng nhà, chị Hương bảo chồng:

- Huy vào nhà chơi đã, đợt ngớt mưa rồi về.

- Dạ thôi, em…

Chị ngắt lời:

- Thôi cái gì, mấy khi đến nhà chị?

Chồng đành miễn cưỡng dắt xe vào sân. Chị bảo chồng ngồi phòng khách đợi, lát sau chị đem ra một cái khăn bông và một cái áo nam, nói:

- Huy lau khô tóc rồi thay áo đi kẻo lạnh.

- Không cần đâu chị…

Chị gắt nhẹ:

- Huy vì chị mà ốm là chị áy náy lắm đấy.

Chồng nghe theo răm rắp. Chị Hương ngồi xuống tìm hộp trà Dilmah.

Bỗng, cánh cửa bật mở. Vợ bước vào, trên mắt vợ còn nguyên sự kinh ngạc. Chồng chết lặng, cứng miệng, linh cảm sẽ có chuyện không hay sắp xảy ra…Chị Hương còn muôn phần hoang mang hơn:

- Cô là ai?

Vợ không trả lời, xé màn mưa, lao về phía cái taxi đang đợi ngoài cổng. Vợ ngồi trong xe, khóc to hơn cả mưa, khóc nấc lên từng hồi. Anh tài xế ái ngại:

- Đi đâu đây em ơi?



Chồng đội cả trời mưa, phóng như bay về nhà, mặc kệ mưa tát vào mặt đau rát, cả những tia chớp rạch ngang bầu trời và tiếng sấm đì đùng giận dữ. Cố gắng nhanh hết sức có thể, cố gắng nhích lên từng tí trong dòng người giờ tan tầm. Chồng biết vợ đã hiểu lầm, nhưng không biết phải giải thích sao cho vợ tin. Khổ sở lắm mới lết về đến nhà, chồng để nguyên bộ dạng ướt sũng bước vào phòng khách. Vợ bình thản đến rợn người, đẩy tờ giấy A4 về phía chồng:

- Đơn đấy, ký đi.

- Đơn gì? – Chồng ngơ ngác.

- Ly hôn.

- Em điên à? – Chồng quát lên.

- Không điên. – Vợ vẫn giữ thái độ đó.

- Em phải nghe anh giải thích! – Chồng quỳ xuống, nắm chặt tay vợ.

- Anh biến đi cho khuất mắt tôi!

Suýt thì chồng đã nói: “Nhà này đứng tên anh đấy nhé”. Nhưng chợt nhận ra, bây giờ không phải lúc có thể đùa…Chồng yếu ớt thanh minh:

- Anh thề. Chuyện không phải như vậy mà…

Vợ im lặng, bước vào phòng, đóng sầm cửa lại.

Những ngày sau đó, tổ ấm của hai vợ chồng lạnh như nhà ma. Vợ không nói một lời nào, lặng lẽ đi, lặng lẽ về như một cái bóng. Vợ ăn riêng, chồng ăn riêng. Đêm đến, chồng vừa bước vào thì vợ ôm gối ra phòng khách ngủ.

2h sáng, chồng dò dẫm sang phòng khách, đắp chăn cho vợ rồi ra ban công hút thuốc. Vợ giả vờ ngủ, nước mắt ứa ra, ướt đẫm gối.

Ngày hôm sau, lại thế. Nhưng đến sáng tỉnh dậy, thì vợ đã thấy mình nằm trên giường, bên cạnh con, chồng co ro trên ghế sopha, và TV thì chắc là lại từ đêm qua chưa thèm tắt…

Kể từ đêm hôm sau, chồng tự giác “dọn” sang phòng khách, chồng thức khuya hơn và hút thuốc nhiều hơn. Nửa đêm, nghe tiếng con khóc và đèn phòng ngủ vẫn sáng, chồng cắn chặt môi… Chắc giờ này vợ đang vất vả vì phải vừa cho con uống sữa, vừa tự thay đồ cho con, thương vợ…còn vụng về lắm…

Đến khi đèn phòng tắt và con đã ngừng khóc hẳn, chồng mới cầm điện thoại nhắn tin vào máy vợ: “Anh rất nhớ em!”…

Vợ đọc tin nhắn, tim như thắt lại, rồi lạnh lùng tắt máy.

Hai con người, một ngôi nhà, hai trái tim, một bức tường ngăn cách…

***

Vợ sang ngoại đón con. Mẹ nhìn vợ lo lắng:

- Sao dạo này mặt mày hốc hác thế con?

Vợ không trả lời, cúi gằm mặt xuống. Mẹ nghiêm nghị:

- Có chuyện gì rồi phải không?

Vợ bật khóc, ôm lấy mẹ, nức nở kể hết mọi chuyện. Mẹ dịu dàng:

- Con đã nghe Huy giải thích chưa?

- Con…chưa…

Mẹ nói:

- Đã là vợ chồng thì phải tin tưởng lẫn nhau. Dù Huy sai hay con sai, con cũng nên bình tĩnh lắng nghe. Vợ chồng còn trẻ, con thì bé. Không nghĩ cho mình thì cũng phải biết vì con vì cái…Biết đâu con hiểu lầm Huy thật?

Vợ thẫn thờ trở về nhà, vẫn cái không khí ảm đạm đó, đẩy cửa bước vào, chợt phát hiện chồng đang gọi điện thoại cho ai đó. Vợ bế con, đứng nép sau cánh cửa nghe trộm…

Giọng chồng tha thiết:

- Chị ơi…Chị giúp em đi…Giờ em không biết phải làm thế nào để vợ em tin. Đã mấy ngày hôm nay vợ chồng em sống kiểu “người vô hình” rồi chị ạ…

- Chỉ vì Huy tôi về nhờ và vợ Huy giận đến tận hôm nay sao?

- Vâng. Cô ấy còn đòi chia tay, em thực sự không chịu nổi.

- Vậy Huy muốn tôi làm gì?

- Chị có thể gặp vợ em giải thích đó chỉ là hiểu lầm, được không chị?

- Tôi…

- Em xin chị. Vợ và con là tất cả đối với em, nhưng lúc này quả thật em bất lực…

- Thôi được rồi. Tôi đồng ý, nhưng không chắc cô ấy sẽ tha thứ đâu nhé.

- Vâng – Chồng mừng rỡ – Chỉ cần còn một tia hy vọng em cũng cố gắng đến cùng.

- Ừ. Thế nhé. Chào Huy…

Chị tắt máy, chồng đứng dựa vào tường, thở phào như vừa trút được gánh nặng ngàn cân. Đột nhiên, vợ bước vào, nước mắt giàn giụa:

- Anh ơi…!

Chồng giật bắn mình quay lại. Thấy mẹ khóc, con cũng khóc theo. Rồi bất ngờ, cả hai mẹ con nó oà lên. Chồng hết ôm vợ, rồi lại ôm con, mặt đỏ bừng, lúng túng mãi:

- Ơ…này…này…

***

- Em xin lỗi…

Vợ nằm gọn trong tay chồng, nghẹn ngào.

- Tại anh mà, anh không giải thích, cũng không chứng minh được là anh đúng.

- Tại em mà, em không chịu nghe anh.

- Không, tại anh. Đáng lẽ phải đi đến nơi về đến chốn, không được “tạt té” linh tinh.

- Tại em đấy, đáng lẽ phải về cơm nước cho chồng con nhưng em lại ham chơi.

- Đã bảo tại anh mà!

- Tại em, anh lì thế nhỉ!



Vợ chồng cùng phá lên cười. Lát sau:

- Anh ơi?!

- Dạ vợ?

- Bốn mươi năm nữa chúng mình còn “trẻ trâu” thế này không nhỉ?

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Phán xét với lòng trắc ẩn

Có một câu chuyện cổ vui: một người cha và con trai đang cưỡi lừa trên đường. Một người qua đường bình phẩm họ, nói rằng, “Hai người tàn nhẫn đến nhường nào! Nhìn xem con lừa đáng thương mệt mỏi làm sao.” Vì vậy, người cha xuống khỏi con lừa và để cho con trai cưỡi. Một người qua đường khác chỉ trích họ bằng những lời: “Hãy nhìn cậu con trai tồi tệ kia! Anh ta cưỡi lừa nhưng để người cha khốn khổ của anh ta đi bộ!” Vì vậy, cậu con trai xuống khỏi con lừa và để cha cưỡi. Một người khác cũng chỉ trích họ bằng cách nói, “Hãy nhìn sự ích kỷ của ông bố! Ông ta cưỡi lừa và để con mình đi bộ.” Vì vậy người cha xuống lừa một lần nữa và bước đi với con trai, và suy nghĩ, “Bây giờ chúng ta yên ổn rồi.” Tuy nhiên, một người khác cười họ, “Hãy nhìn sự ngốc nghêch của hai người này! Con lừa để không và chẳng ai cưỡi nó!”



Cái gì là đúng và sai ở đây? Người ta chỉ lắc đầu và thở dài, “Có hai khía cạnh với mỗi câu hỏi. Nó không có ý nghĩa gì nhiều để mà tranh cãi.”

Tuy nhiên, nếu một người tu luyên là người qua đường, mọi thứ có thể đã hài hòa hơn nhiều. Bởi vì một người tu luyện tu “THIỆN”, tâm của anh ta đầy từ bi và lòng tốt, do vậy thế giới quan của anh ta khác. Không có vấn đề ở các tình huống mô tả ở trên anh ta gặp phải, một người tu sẽ nói với cái nhìn từ bi. Nhìn thấy cha và con trai cùng cưỡi lừa, anh ta sẽ nói, “Con lừa chăm chỉ và trung thành biết bao! Nó phục vụ chủ thật tốt!” Lúc nhìn thấy con trai cưỡi lừa và người cha đi bộ, anh ta sẽ nói, “Tình cảm của người cha thật lớn lao! Ông thà đi bộ còn hơn tiếp tục thoải mái và dễ dàng bằng việc cưỡi lừa.” Lúc nhìn thấy người cha cưỡi lừa và con trai đang đi bộ, anh ta sẽ nói, “Nhìn sự khôn ngoan của người con! Cậu ta đã học được sự tôn kính người lớn tuổi như một người con và chịu đựng những khó nhọc và nghĩ đến người khác ở tuổi còn trẻ như vậy!” Lúc nhìn thấy cả hai cha con đi bộ, anh ta sẽ nói, “Tâm của họ tốt làm sao! Họ thà đi bộ hơn làm gánh nặng cho con lừa.”


Mọi người đưa ra kết luận hoàn toàn khác nhau về cùng một điều bởi vì người qua đường thiếu từ bi và luôn luôn nhìn mặt xấu của vấn đề hoặc một người, bỏ qua mặt tốt. Một người tu luyện luôn duy trì lòng từ bi và, do đó, anh ta luôn có thể thấy những mặt tốt và đưa ra kết luận hoàn toàn khác. Thế giới quan và nhân sinh quan của anh ta hoàn toàn khác hẳn.
Một người từ bi phán xét với tâm từ bi. Mọi thứ trong mắt anh ta là một bài thơ sống động, một cái nhìn tốt đẹp, và một mùa xuân thịnh vượng. Người xấu phán xét với sự độc ác trong tâm. Anh ta rất cầu kỳ và chỉ trích tất cả mọi thứ thậm chí mặc dù nó rất đẹp.

Một người khôn ngoan biết rằng anh ta không biết gì, nhưng người ngu ngốc nghĩ rằng anh ta biết tất cả. Một người từ bi nghĩ rằng có nhiều cơ hội để hoàn thiện, nhưng một người xấu nghĩ rằng anh ta là đủ tốt. Tôi mong rằng tất cả chúng ta sẽ có sự phán xét với tâm từ bi để chúng ta có thể nhìn nhận một cách chân thật về tốt với xấu, chính với tà, khôn ngoan với ngu si và đúng với sai.
Xe cao hơn cầu vượt cầu hành khách bị hất tung
Bé trai tử vong khi chơi dưới gầm xe

Túi gạo của mẹ

 


Cái nghèo cái đói thường trực trong căn nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ. Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì một cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.

Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị.

Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tượng vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.

Học hết cấp hai, cậu thi đậu vào trường cấp 3 nổi tiếng của thành phố. Gánh nặng lại oằn lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh.

Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa thân dưới. Vốn là người lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa, nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin thôi học:

- Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra.

- Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm.

Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình chịu khổ. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không kềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai 16 tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở.

Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần.

Ít lâu sau, có một người mẹ khập khễnh vác bao tải dứa, bước thấp, bước cao đến phòng giáo vụ. Chị nộp gạo cho con trai. Chị là người đến muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào. Thầy Hùng phòng giáo vụ nhìn chị nói:

- Chị đặt lên cân đi.

Mở túi gạo ra cho tôi xem.

Chị cẩn thận tháo túi.

Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng:

- Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn. Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa, đây còn có cả ngô nữa. Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao nấu cho các em ăn được. Thầy vừa nói vừa lắc đầu.

- Nhận vào. Thầy nói, không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên học sinh.

Mặt người mẹ đỏ ửng lên. Chị nhẹ nhàng đến bên thầy nói:

- Tôi có 5 đồng, thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thầy?

Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước. Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thải vì chẳng biết làm thế nào. Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.

Đầu tháng sau, chị lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi gạo ra xem rồi cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:

- Chị lại nộp loại gạo như thế này sao? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm ngon để các em ăn được? Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hồ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cho cơm chín được không? Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?

- Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế! Người phụ nữ bối rối.

- Thật buồn cười cái nhà chị này! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng hàng trăm loại thế này sao?

Nhận vào! Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn chị.

Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Chị lí nhí cảm ơn thầy rồi lặng lẽ bước thấp bước cao ra về. Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.

 

Lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo. Chị lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹp, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ. Bao gạo nặng dường như quá sức với chị. Thầy giáo lại đích thân mở túi gạo ra xem. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như
 nhắc để người đàn bà ấy phải nhớ:

- Tôi đã nói với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận!.

Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bùng phát. Chi khóc. Hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ, chị khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.

Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người đàn bà trẻ khóc tấm tức đến thế.

Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân quắt queo lại.

- Thưa với thầy, gạo này là do tôi.... tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được. Chẳng giấu gì thầy, chân cẵng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này. Nhà chỉ có hai mẹ con, cha cháu mất sớm.... Thầy thương tình, thầy nhận giúp cho. Không nộp gạo, con tôi thất học mất!.

Người mẹ trẻ này đều đặn ngày nào cũng thế. Trời còn tờ mờ, khi xóm làng vẫn chưa thức giấc, chị lặng lẽ chống gậy, lê mình rời khỏi thôn. Chị đi khắp hang cùng, ngõ hẻm, xóm khác xin gạo. Đi mãi đến tối mịt mới âm thầm trở về. Chị không muốn cho mọi người trong thôn biết.

Lần này người bị xúc động mạnh lại là thầy Hùng. Thầy đứng lặng hồi lâu rồi nhẹ nhàng đỡ chị đứng lên. Giọng thầy nhỏ nhẹ:

- Chị đứng lên đi, người mẹ trẻ ! chị làm tôi thực sự bất ngờ. Tôi đã có lời không phải với chị. Thôi thế này, tôi nhận. Tôi sẽ thông báo với trường về hoàn cảnh của em học sinh này, và để trường xét xem em có đủ tiêu chuẩn để được nhận chương trình học bổng của trường không? .

Người mẹ trẻ đột nhiên trở nên cuống quýt và hoảng hốt. Chị gần như chắp tay lạy thầy. Giọng chị van lơn:

- Xin thầy. Tôi có thể lo cho cháu, dù không đủ đầy như các bạn nhưng tôi lo được. Khổ mấy tôi cũng chịu được. Chỉ xin thầy đừng cho cháu hay chuyện này.

Đây là bí mật của tôi, mong thầy giữ kín dùm cho.

Chị kính cẩn cúi đầu chào thầy như người mà chị mang một hàm ơn lớn, đưa tay quyệt mắt rồi lại nặng nhọc, liêu xiêu ra về.

Lòng thầy xót xa

Thầy Hùng đem câu chuyện cảm động này báo với hiệu trưởng trường. Ban giám hiệu trường giữ bí mật này tuyệt đối. Nhà trường miễn toàn bộ học phí và sinh hoạt phí cho cậu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này.

Ngoài ra, học lực của cậu rất khá, đủ tiêu chuẩn để nhận được học bổng của trường. Cuối học kỳ, cậu dẫn đầu trong danh sách những học sinh xuất sắc của trường. Cậu thi đậu vào trường đại học danh tiếng nhất thủ đô.

Trong buổi lễ vinh danh những học sinh ưu tú, khi tên cậu được xướng lên đầu tiên, mẹ cậu lặng lẽ đứng ở một bên góc khuất, mỉm cười sung sướng.

Có một điều rất lạ rằng trên sân khấu hôm ấy, có ba bao tải dứa sù sì được đặt trang trọng ở một góc phía ngoài cùng, nơi mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy nhất. Ai cũng thắc mắc, không hiểu bên trong ấy chứa thứ gì. Trong buổi lễ nghiêm trang ấy, thầy hiệu trưởng rất xúc động và kể lại câu chuyện người mẹ trẻ đi ăn xin nuôi con học thành tài. Cả trường lặng đi vì xúc động. Thầy hiệu trưởng ra dấu cho thầy Hùng đến mở ba bao tải ấy ra. Đó là ba bao gạo mà người mẹ với đôi chân tật nguyền lặn lội khắp nơi xin về.

- Đây là những hạt gạo mang nặng mồ hôi và tình yêu thương con hết mực. Những hạt gạo đáng quý này, tiền, vàng cũng không thể mua nổi. Sau đây, chúng tôi kính mời người mẹ vĩ đại ấy lên sân khấu.

Cả trường lại một lần nữa lặng người đi vì kinh ngạc. Tất cả mọi đôi mắt đều dồn về phía người đàn bà chân chất, quê mùa đang được thầy Hùng dìu từng bước khó nhọc bước lên sân khấu. Cậu con trai cũng quay đầu nhìn lại. Cậu há hốc miệng kinh ngạc. Cậu không thể ngờ rằng người mẹ vĩ đại ấy, không ai khác chính là người mẹ thân yêu của cậu.

- Chúng tôi biết, kể ra câu chuyện này sẽ khiến cậu học sinh ưu tú nhất trường bị chấn động rất mạnh về tâm lý. Thế nhưng, chúng tôi cũng mạn phép được nói ra vì đó là tấm gương sáng, tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người mẹ. Điều đó hết sức đáng quý và đáng được trân trọng vô cùng.

Chúng tôi cũng muốn thông qua câu chuyện cảm động này, giáo dục các em học sinh thân yêu của chúng ta về đạo đức và lối sống, về tình người với những nghĩ cử cao đẹp.

Hôm nay, một lần nữa chúng ta vinh danh những người cha, người mẹ đã cống hiến hy sinh cả đời mình vì tương lai con em.

Giọng thầy hiệu trưởng đều đều, ấm áp và hết sức xúc động. Tai cậu ù đi cậu chẳng nghe thấy gì nữa cả, mắt cậu nhòe lệ. Mẹ cậu đứng đó, gầy gò, khắc khổ, mái tóc đã sớm điểm bạc, mắt bà  cũng chan chứa niềm hạnh phúc và ánh mắt ấm áp, yêu thương ấy đang hướng về phía cậu con với cái nhìn trìu mến.

Người phụ nữ ấy run run vì chưa bao giờ đứng trước đám đông. Run run vì những lời tốt đẹp mà thầy hiệu trưởng đã dành cho mình. Với chị, đơn giãn, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà chị đã dành cho con trai. Chị không nghĩ được thế nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy. Cậu con trai cao lớn đứng vụt dậy, chạy lên ôm chầm lấy mẹ mà mếu máo khóc thành tiếng:

- Mẹ ơi! Mẹ của con.
(Linh Đan / dịch từ truyện ngắn khuyết danh Trung Quốc)

Cách phân biệt cà phê thật và chất phụ gia dộc hại

 


Vài năm gần đây, ngoài chất phụ gia còn có nhiều loại hóa chất độc hại được cho vào cà phê. Không chỉ dùng chất độn, có loại "cà phê" hoàn toàn sử dụng đậu nành trộn với hóa chất không rõ nguồn gốc, dù đã bị phanh phui trên các phương tiện truyền thông. Trước thực trạng này, để tránh nhầm lẫn, người tiêu dùng cần có kiến thức căn bản về cà phê.

Trên thế giới hiện có 3 loại cà phê như sau:

Loại thứ nhất là cà phê 100% thiên nhiên, đỉnh cao của loại này là cà phê hữu cơ. Cà phê hữu cơ được chế biến từ những hạt cà phê được trồng, chăm bón một cách hữu cơ, tức là loại bỏ tất cả yếu tố vô cơ như phân hóa học, thuốc trừ sâu.....

Loại thứ hai là cà phê có sử dụng hương liệu. Loại này các nhãn hiệu đa quốc gia thường sản xuất. Mục đích chính của việc sử dụng hương liệu là nhằm đồng nhất hương vị của sản phẩm, dù nó được sản xuất từ nguyên liệu cà phê nào, tại quốc gia nào.

Loại thứ ba là cà phê có sử dụng hương liệu và pha độn một số thành phần khác nhau như socola, ca cao, chicory, các chất thay thế khác.

Riêng Việt Nam hiện nay thành phần phụ gia còn có đậu nành, bắp, bơ....


 


Cà phê được coi là thật khi là một trong ba loại kể trên và nhà sản xuất công bố rõ thành phần của loại đó trên bao bì sản phẩm.

Việc không công bố đúng, đủ hoặc công bố sai sự thật trên bao bì sản phẩm bị coi là làm cà phê giả. Cà phê giả ở Việt Nam chủ yếu là loại cà phê thứ 3 nêu trên, nhưng trên bao bì ghi thành phần giống như loại 1.

Nguy hiểm hơn các thành phần cho thêm vào cà phê còn độc hại vì có cả các hóa chất không thể dùng cho thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cách nhận biết cà phê thật - giả: Với cà phê rang xay (pha phin): Có 2 cách có thể sử dụng riêng hoặc phối hợp để kiểm soát như sau:

Cách 1: quan sát bột cà phê: Cà phê rang xay nguyên chất màu sắc và kích thước bột cà phê thường đồng nhất, bột cà phê tơi sốp.

Cà phê pha tẩm độn có màu sắc không đồng nhất do trộn nhiều loại nguyên liệu được rang xay riêng Bột cà phê pha tẩm không tơi sốp, độ ẩm cao hơn.

Cách 2: một thí nghiệm nhỏ, có thể tự làm ở nhà:

Đổ nước đã nguội đầy 2/3 ly thủy tinh, sau đó rắc nhẹ với hai muỗng bột cà phê lên trên mặt nước trong ly và quan sát.

Cà phê nguyên chất sẽ nổi rất lâu trên mặt nước. Sau khoảng 10 phút bột cà phê bắt đầu chìm từ từ từng tí một. Khi cà phê chìm, màu nâu mới phai ra nước và tạo thành một dung dịch màu cánh gián trong trẻo (do các chất tan chỉ tiết ra khỏi bột cà phê khi gặp nước sôi).

Ngược lại, cà phê giả pha độn sẽ chìm rất nhanh, có loại chìm ngay lập tức, lâu nhất cũng chỉ khoảng 5 phút. pha độn càng nhiều, bột càng nhanh chìm xuống đáy ly và có khi chìm cả mãng lớn. Màu nâu đen phải ra trong nước ngay lập tức và nước đục không trong.

Hãi hùng cà phê "giả"

Với cà phê hòa tan: Phổ biến ở VN hiện nay là cà phê hòa tan 3 trong 1. Cà phê 3 trong 1 gồm có đường mía, bột kem làm từ tinh dầu cọ và cà phê hòa tan nên khi pha ra, chúng ta chỉ cảm nhận được 3 vị đó. Nếu có độn đậu nành, và bắp, để ý kỹ, có thể thấy vị béo của bắp, đậu nành trộm lẫn trong vị ngọt đường mía và hậu vị béo của tinh dầu cọ.

Cà phê có sử dụng hóa chất tạo mùi thơm sực nức ngay khi vừa mở gói ra nhưng hương thơm ấy nhanh chóng mất đi khi ly cà phê đã nguội. Cà phê thiên nhiên có hương thơm dịu nhẹ nhưng bền lâu. Khi ly cà phê đã nguội hẳn, chúng ta vẫn thấy thơm. Một lưu ý rằng cả hai yếu tố dịu nhẹ và bền lâu của hương phải đi cùng với nhau mới là cà phê thiên nhiên. Nếu thơm sộc nhưng vẫn bền hương thì sản phẩm đó có thể chứa chất cầm hương. Chất cầm hương dùng cho thực phẩm chất lượng cao thường rất đắt tiền. Loại rẻ tiền thì lại không an toàn cho sức khỏe. Dựa vào thử nếm như trên và quan sát bao bì, ta có thể biết đâu là cà phê thật và đâu là cà phê giả.

Và để tránh rủi ro, nên chọn cà phê thiên nhiên. Nếu thích cà phê hương liệu, phụ gia thì nên chọn nhãn hiệu công bố rõ ràng thành phần trên bao bì. Việc ghi rõ thành phần chất phụ gia cho thấy nhà sản xuất trung thực. Sự trung thực ấy thể hiện cam kết của họ về tính an toàn của các loại phụ gia mà họ đã cho thêm vào cà phê. (Hà Cúc/ViệtCosmo)